Tập sao cho khỏe, cho vui?
Vận động không phù hợp với tuổi tác, cơ địa, mức độ cũng sẽ gây hại cho người cao tuổi. Ngay như ở người trẻ tuổi có nhiều vận động viên bị đột quỵ vì tập thể dục đó là do đã quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Người cao tuổi cũng cần lắng nghe cơ thể xem ngưỡng nào phù hợp. Việc tập luyện quá sức có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như căng cơ, mệt mỏi, chấn thương… Thực tế đã có không ít trường hợp bị cảm lạnh, trúng gió, đau tim, thậm chí đột quỵ vì hạ thân nhiệt đột ngột do tập thể dục không khoa học.
Người cao tuổi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về cường độ tập luyện phù hợp với sức khỏe nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Ví dụ nếu người tập bị bệnh tim mạch nên chọn môn đi bộ là phù hợp, tùy theo sức. Nhưng nếu người đó mắc thêm các chứng bệnh về xương khớp, thì việc đi bộ phải theo hướng dẫn, không đi nhiều vì có thể làm bệnh nặng thêm.
Ngoài ra, trong quá trình tập luyện thường xảy ra những chấn thương ngoài ý muốn như trật khớp vai, lật cổ chân, bong gân, té ngã… Vì vậy, người cao tuổi cần khởi động đầy đủ, mang giày thích hợp, đi trên đường phẳng, bảo đảm đủ ánh sáng, tránh trơn trượt. Nếu không khởi động đúng, tập với cường độ cao sẽ gây cảm giác mệt mỏi, đau cơ bắp, thậm chí té ngã gây gãy xương khi tập luyện.
Riêng với những người có bệnh lý về cơ xương khớp như thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa khớp gối mức độ từ vừa đến nặng nhìn chung không nên tập đi bộ, chạy, leo cầu thang, đứng lên ngồi xuống và một số môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền, mà nên thay thế bằng các loại hình vận động ít chịu tải cho cột sống và khớp như đạp xe, bơi…
Ảnh minh họa
Với người cao tuổi có suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, hoạt động thể lực có thể đơn thuần chỉ cần những thay đổi tư thế trong sinh hoạt hay những vận động đi lại di chuyển chậm rãi, nhẹ nhàng với gậy hoặc nạng cũng đã có ý nghĩa.
Các bài tập giúp ích cho người cao tuổi là tập các động tác có kháng lực, chịu lực, tập sức cơ như: đi bộ, chạy bộ nhẹ, sử dụng tạ tay nhẹ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, thể dục nhịp điệu, bơi lội, yoga; thậm chí, làm việc nhà, làm vườn cũng là một cách tập luyện vận động cần thiết.
Cũng cần lưu ý là việc tập thể dục ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến cơ thể người cao tuổi vốn đã yếu không kịp thích ứng, dễ tạo điều kiện cho những bệnh nguy hiểm phát sinh.Theo các chuyên gia, tập thể dục quá sớm có thể khiến cơ thể gặp lạnh đột ngột, huyết áp thường thay đổi khi nhiệt độ xuống thấp.
Huyết áp tăng vào sáng sớm cộng với thời tiết lạnh dễ xảy ra những tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa mặt, liệt nửa người. Hay người có tiền sử huyết áp cao, thành mạch máu thoái hóa dày lên làm ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi gặp nhiệt độ thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não có thể bị co tắc nghẽn gây thiếu oxy và chất dinh dưỡng lên não dẫn đến đột quỵ.
Cần sự quan tâm và ủng hộ của gia đình
Tập thể dục một mình cũng tốt nhất là trong mùa dịch, nhưng khi hết dịch hãy ủng hộ ông bà, cha mẹ, chúng ta đi tập thể dục cùng nhau, với nhóm bạn, với những người quen để tăng tính giao tiếp xã hội, giúp cải thiện tâm trạng. Tập thể dục hay hoạt động thể chất sẽ cải thiện sự tự tin, lòng tự trọng và giá trị bản thân. Nó kích thích năng lượng tích cực trong cơ thể của chúng ta; tác động tích cực đến sức khỏe thể chất cùng tinh thần tuyệt vời, cũng như tăng cường hệ miễn dịch dễ dàng hơn.
Ảnh minh họa
Người cao tuổi nên sinh hoạt điều độ, ăn, ngủ đúng giờ, vận động tập luyện phù hợp sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa và duy trì cân nặng hợp lý, mỗi buổi sáng dậy vận động 20 – 30 phút, buổi trưa sau khi nằm nghỉ hoặc ngủ 10 phút, tối nên đi bộ 20 – 30 phút giúp ngủ ngon hơn. Ði bộ là cách vận động rất tốt, phù hợp với người cao tuổi và có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch và cải thiện tình trạng đau mỏi xương.
Cũng như những cỗ máy đã chạy nhiều năm, cần phải có đầy đủ dầu nhớt, cùng với việc vận động, tập luyện, người cao tuổi càng cần có nguồn dinh dưỡng đầy đủ, ăn đủ chất, đủ bữa, tránh bị suy dinh dưỡng do ăn kém, ảnh hưởng do bệnh tật… để nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch phòng chống bệnh tật. Trong mọi hoàn cảnh, người cao tuổi cần được bổ sung thêm sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa hay các thực phẩm chức năng, để cung cấp thêm dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.