Tham dự buổi lễ có ông Kunio Umeda – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Keiji Kaneko – Tổng Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam, ông Lê Mạnh Hùng– Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng và Bà Trần Thị Kim Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự.
Tại buổi lễ, Ngài Kunio Umeda và bà Trần Thị Kim Bình – đại diện đơn vị nhận viện trợ cùng ký kết Hợp đồng viện trợ trao số tiền 90.456 đô la Mỹ (tương đương 2 tỷ 90 triệu đồng) để xây dựng mô hình bếp ăn mẫu bán trú tại Trường tiểu học Ngô Gia Tự , TP. Đà Nẵng.
Ông Kunio Umeda, đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam và đại diện đơn vị nhận viện trợ tại Lễ ký kết.
Trường tiểu học Ngô Gia Tự đã và đang triển khai Dự án Bữa ăn học đường với Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong công tác chuẩn bị thực đơn bán trú và áp phích “Ba phút thay đổi nhận thức” trong giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho các em học sinh.
Tuy vậy, nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bán trú, cụ thể là vấn đề cơ sở vật chất. Bếp ăn hiện tại đang xuống cấp và không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Diện tích bếp nhỏ hẹp, phải tận dụng thêm phần hành lang. Trang thiết bị sử dụng còn lạc hậu, công suất nhỏ so với quy mô phục vụ. Chính vì vậy, việc chuẩn bị bữa ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng tốn nhiều thời gian và nhân lực.
Trường tiểu học Ngô Gia Tự triển khai Dự án Bữa ăn học đường từ tháng 9/2015
Thống kê cho thấy, trong năm học 2018 – 2019, số trẻ nhẹ cân mức trung bình của tại trường chiếm 11.9% (khoảng 150 học sinh). Bên cạnh đó, 117 học sinh (chiếm 9.3%) đang được chuẩn đoán béo phì. Việc cải thiện tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng là yêu cầu cần thiết.
Với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản và ban Dự án Bữa ăn học đường, bếp ăn tại trường Ngô Gia Tự sẽ được xây dựng lại theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Mô hình bếp áp dụng quy tắc một chiều, thiết kế phân chia theo từng khu vực riêng biệt từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến khâu chế biến thành phẩm và vệ sinh sau bữa ăn. Mỗi khu vực có quy định trang phục và dụng cụ làm việc riêng được đánh dấu theo màu sắc, đảm bảo ngăn ngừa nhiễm chéo giữa các công đoạn. Bếp ăn được trang bị những dụng cụ hiện đại, giúp giảm thiểu nhiều thao tác nặng, tiết kiệm thời gian cho nhân viên cấp dưỡng trong quá trình chế biến.
Trang thiết bị hiện đại với công suất lớn tại bếp ăn của trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP. Lạng Sơn) do Dự án hỗ trợ xây dựng.
Cùng với việc áp dụng Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, bếp ăn hoàn thiện sẽ mang đến những bữa ăn ngon miệng, đa dạng và cân bằng dinh dưỡng cho các em học sinh. Từ đó, tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng sẽ không còn là gánh nặng của nhà trường. Hơn hết, mô hình bếp sẽ tạo điều kiện để các trường tiểu học và tổ chức giáo dục tại khu vực miền Trung đến tham quan và học tập, góp phần chuẩn hóa chất lượng các bếp ăn bán trú hiện nay.
Được biết, bếp ăn mẫu bán trú tại trường tiểu học Ngô Gia Tự là mô hình bếp thứ ba chuẩn bị được Dự án hỗ trợ xây dựng. Đây cũng là lần thứ hai, Dự án nhận được viện trợ từ Chính phủ Nhật Bản. Quyết định tiếp tục đồng hành cùng Dự án. Quyết định tiếp tục đồng hành xây dựng các mô hình bếp của Chính phủ Nhật Bản thể hiện sự ghi nhận đối với những đóng góp của Dự án trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng học đường. Sự ủng hộ này còn mang ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam cũng như mỗi quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Tính tới đầu tháng 12 năm 2019, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo Viện Dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế và các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Dự án tại 62 tỉnh thành. Chia sẻ về kế hoạch thúc đẩy Dự án trong thời gian tới, ông Keiji Kaneko chia sẻ thêm: “Công ty Ajinomoto Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia để triển khai Dự án tại 1 tỉnh còn lại cũng như tiếp tục hỗ trợ các trường trên toàn quốc thực hiện Dự án ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn nữa.”.