Mối liên quan giữa thức ăn và rối loạn lo âu
PGS.TS.Drew Ramsey – bác sĩ lâm sàng về tâm thần học, thuộc đại học Columbia, New York (Mỹ) có những phân tích về các dữ liệu quan trọng và dài hạn liên quan đến tác động của chế độ ăn và dinh dưỡng trong các liệu pháp điều trị rối loạn lo âu hay trầm cảm. Thông qua những dữ liệu thú vị trong lĩnh vực này, PGS.TS. Drew Ramsey đã đưa ra những hướng dẫn trong việc sử dụng chế độ ăn hỗ trợ điều trị các bệnh nhân rối loạn lo âu.
Năm 2009, các dữ liệu về dinh dưỡng và lo âu bắt đầu được ghi nhận bởi BS.Felice Jacka và các đồng nghiệp. Nhóm các nhà khoa học này đã nghiên cứu dữ liệu Hordaland, một bộ dữ liệu dịch tễ học lớn (một quá trình theo dõi, khảo sát tỉ mỉ, liên tục để đánh giá được bản chất của bệnh cùng với những nguyên nhân xuất hiện, lưu hành và lan tràn của bệnh đó, nhằm tìm ra được những biện pháp khống chế, ngăn chặn có hiệu quả đối với bệnh đó) ở Scandinavia (Bắc Âu), và họ phát hiện thấy: Sự liên quan giữa chất lượng chế độ ăn hàng ngày và rối loạn tâm thần thường gặp ở người trưởng thành trong cộng đồng. Các nhà khoa học tìm ra được mô hình dinh dưỡng tổng thể có liên quan tới lo âu. Cụ thể, sử dụng nhiều các loại thực phẩm có nguồn gốc phương Tây, hoặc một chế độ ăn uống “hiện đại” với các thực phẩm chế biến sẵn, liên quan với nguy cơ cao hơn về rối loạn lo âu khoảng 25% -29%.
Chế độ ăn giúp giảm rối loạn lo âu
Choline: Thông qua nghiên cứu, BS.Jacka và nhóm của cô đã tìm ra mối liên quan giữa lo âu và choline. Choline là một chất giống như vitamin nhóm B. Tương tự như folate, nó được sử dụng trong chu trình methyl hóa. Bệnh nhân có mức tiêu thụ choline thấp có khoảng 33% nguy cơ rối loạn lo âu cao hơn. Choline chủ yếu được tìm thấy trong trứng và đậu phụ, và trong hầu hết các loại thịt.
Omega 3 trong mỡ cá giúp giảm lo âu.
Thực phẩm lên men:
Khi chúng ta bắt đầu biết đến mối liên hệ giữa ruột/ não bộ và ảnh hưởng của vi khuẩn lên trạng thái tâm thần, việc sử dụng thực phẩm lên men ở những bệnh nhân rối loạn lo âu cũng được chú ý.
“Tổng quan về tác dụng của lợi khuẩn (probiotic) trên triệu chứng trầm cảm ở người” được công bố vào cuối tháng 2 năm 2017 của các tác giả đến từ Khoa Tâm thần học, Đại học Queen, Kingston (Canada) có đề cập đến một số nghiên cứu về tác dụng của lợi khuẩn trên rối loạn lo âu. Trong đó có một thử nghiệm đánh giá về hai loại vi khuẩn ở các tình nguyện viên khỏe mạnh.
Kết quả cho thấy, sau 30 ngày sử dụng lợi khuẩn, mức độ lo lắng của các tình nguyện viên đã giảm xuống. Kết quả này tương tự như kết quả thu được từ một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên về cải thiện chế độ ăn uống cho người lớn bị trầm cảm nặng được tiến hành ở Úc và New Zealand mới được công bố đầu năm nay.
Ngoài ra, các nhà khoa học từ Đại học California (Mỹ) và Pháp cũng cho rằng thực phẩm lên men có thể làm thay đổi một số đường dẫn truyền nơ ron thần kinh có nhiệm vụ xử lý cảm giác và cảm xúc của cơ thể. Điều này hứa hẹn những lợi ích cho các bệnh nhân rối loạn lo âu. Đối với những bệnh nhân có tâm lý không ổn định, khi ăn thực phẩm lên men nhiều hơn cho thấy mối tương tác với xã hội tốt hơn.
Tất cả những nghiên cứu trên cùng chung quan điểm: thực phẩm lên men có thể là một lựa chọn tốt cho bệnh nhân rối loạn lo âu. Với mục đích tăng cường sự đa dạng của vi khuẩn, và làm giàu lợi khuẩn, hệ lợi khuẩn sẽ có ảnh hưởng đến các mạch thần kinh điều chỉnh sự lo lắng và cải thiện tình trạng tâm thần.
Omega – 3: PGS.TS. Drew Ramsey nhận định về các chất béo Omega -3 chuỗi dài như “những cái tên nổi bật trong danh sách mối liên hệ giữa thực phẩm và sức khỏe tâm thần”. Năm 2011, một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên xem xét việc “Bổ sung omega-3 làm giảm triệu chứng viêm và lo lắng ở sinh viên y khoa” đã cho thấy, các sinh viên y khoa có mức độ lo lắng thấp hơn khoảng 20% sau khi bổ sung omega-3.
Như vậy, chất béo omega-3 chuỗi dài có một vai trò nhất định trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học. Chất này có nhiều trong mỡ cá.
Chế độ ăn không gluten và đường: Một thử nghiệm lớn trong 1 năm ở Scandinavia cho thấy: “Chế độ ăn không gluten và triệu chứng lo lắng của bệnh nhân celiac” đã cho ra những phát hiện thú vị. Trước thử nghiệm, khoảng 72% trong số các bệnh nhân và 24% trong số các người khỏe mạnh có mức độ lo lắng đáng kể nhưng không bị bệnh trầm cảm.
Sau 1 năm, tỷ lệ bệnh nhân có chế độ ăn không chứa gluten được ghi nhận mức độ lo lắng giảm xuống đáng kể còn khoảng 25%, và không có thay đổi có ý nghĩa trong nhóm chứng. Những con số này đại diện cho một sự thay đổi mạnh mẽ.
Mặt khác, ở các bệnh nhân celiac không có triệu chứng lo âu, chế độ ăn kiêng không gluten cũng không làm tăng mức độ lo lắng của họ. Đây là một phát hiện thú vị: chế độ ăn uống không chứa gluten có thể cải thiện sự lo lắng, kể cả trên những bệnh nhân không mắc trầm cảm.
Lo lắng là một trong những triệu chứng có thể và nên được điều trị bằng phương pháp dinh dưỡng. Đa phần các bệnh nhân có rối loạn hoảng loạn, hoặc các triệu chứng lo âu thường không ăn uống một cách khoa học. Rất nhiều triệu chứng lo lắng và hoảng sợ xảy ra khi bệnh nhân đói hoặc thiếu protein và chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày. Do đó, cải thiện chế độ dinh dưỡng sẽ là một lựa chọn bổ sung cho các bác sĩ tâm thần học bên cạnh các liệu pháp điều trị có sẵn như liệu pháp tâm lý và các chất ức chế chọn lọc serotonin.Với bệnh nhân có triệu chứng lo âu, nên có chế độ ăn tăng rau xanh, hải sản và giảm bớt các thực phẩm có đường, các thực phẩm chế biến sẵn. Việc cải thiện chế độ ăn nhiều khi đem lại hiệu quả, dễ thực hiện hơn và có ý nghĩa lâu dài hơn so với các điều trị trầm cảm khác.
DS. Trần Văn Thắng
Thực phẩm Tấn Tài là đơn vị chuyên cung cấp sỉ rau củ quả cho nhà hàng khách sạn, trường học, bếp ăn công nghiệp. Bỏ sỉ trái cây sạch làm sự kiện sinh nhật, hội nghị của các công ty.
Địa chỉ: 1517 Phạm Thế Hiển F6 Q.8
Hotline: 070.667.5696
Email: kinhdoanh@thucphamtantai.com
Fanpage: @thucphamsachhuucotantai
Gmaps: @thucphamtantai