Mục lục
Bảo quản thực phẩm sao cho đúng?
Mỗi loại thực phẩm có cách bảo quản riêng biệt, nhưng để có món ăn ngon và không hao hụt các chất dinh dưỡng, cần rút ngắn thời gian từ lúc thu hoạch, vận chuyển, mua thực phẩm, bảo quản, cho đến chế biến thực phẩm.
Ở nhiệt độ bình thường, thực phẩm dễ dàng bị ôi thiu, bởi vậy khi không có tủ lạnh thì không nên tích trữ đồ ăn. Việc tích trữ đồ ăn cần có cách bảo quản phù hợp với từng nhóm thực phẩm, điều này sẽ giúp cho việc giữ các chất dinh dưỡng của thực phẩm, đồng thời đảm bảo độ tươi, ngon khi chế biến món ăn.
Đối với nhóm thịt, cá, hải sản, nếu chưa chế biến ngay, cần bảo quản trong tủ đông lạnh. Khi mua về nên rửa sạch, để ráo nước hoặc dùng khăn, giấy sạch thấm khô, chia ra từng phần nhỏ với lượng vừa đủ dùng cho mỗi bữa ăn. Cá, tôm, cua, mực sau khi rửa sạch, để ráo nước, nên thêm ít muối rồi mới cho vào hộp nhựa, thủy tinh. Sau đó, để hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh có nắp đậy kín, bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh, ăn đến đâu, lấy đến đó. Không nên dùng túi nilon đựng thực phẩm vì độc hại. Thực phẩm có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 14-30 ngày.
Đối với rau, quả thì cần bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Khi mua về không cần rửa mà lấy giấy bảo quản, gói lại và đặt trong khay đựng rau. Không lấy bao nilon để buộc lại, vì túi kín, nước đọng lại làm cho rau quả dễ bị héo và thối. Có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3-4 ngày, nhưng tốt nhất mua ngày nào dùng ngày đấy để tránh bị hao hụt các vitamin, nhất là vitamin C trong thời gian tích trữ.
Mỗi loại thực phẩm có cách bảo quản riêng biệt.
Nhóm trứng, sữa cần để ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi mát trong nhà, tránh ánh nắng trực tiếp.
Nhóm ngũ cốc hạt cần để nơi thoáng, khô ráo, tránh ẩm.
Lưu ý, không nên xếp thực phẩm quá đầy trong tủ lạnh, độ lạnh sẽ không đến được hết các thực phẩm, việc bảo quản sẽ kém hiệu quả. Thức ăn đã nấu chín chờ đến khi nguội mới cho vào tủ lạnh, không để cùng ngăn giữa thực phẩm chín với thực phẩm tươi sống.
Sơ chế thực phẩm
Việc sơ chế không đúng cách, không phù hợp với đặc điểm của từng thực phẩm cũng sẽ làm mất các chất dinh dưỡng và thay đổi đặc tính thực phẩm.
Đối với nhóm rau, nên rửa rau củ dưới vòi nước chảy, không nên ngâm ngập rau quả trong chậu nước, như vậy sẽ tránh được việc các vitamin B, C và một số khoáng chất bị hòa tan trong nước.
Đối với nhóm quả, sau khi rửa bằng nước sạch, không nên gọt quá sâu phần vỏ, vì các chất dinh dưỡng và một số hoạt chất sinh học tốt cho cơ thể có nhiều ở lớp vỏ.
Đối với nhóm thịt cá tươi, cần rửa sạch dưới vòi nước, không ngâm lâu tránh thực phẩm bị trương, rữa.
Lưu ý, tất cả các nhóm thực phẩm tươi, sống cần phải được nấu ngay, ăn ngay sau khi chế biến, tránh để thời gian quá lâu sẽ làm mất các chất dinh dưỡng, như rau quả thái nhỏ để lâu sẽ làm mất vitamin C, beta-caroten…
Cách rã đông thực phẩm
Để sản phẩm nguyên trong bao gói ngâm vào nước lạnh, hoặc để dưới vòi nước chảy. Không nên ngâm thực phẩm trực tiếp vào nước, vì dịch bào có chất dinh dưỡng sẽ tan ra và hòa vào trong nước, thực phẩm sẽ mất chất dinh dưỡng và bị nhão.
Chuyển thực phẩm xuống ngăn mát tủ lạnh:
Trước khi sử dụng 1 ngày nên chuyển nguyên liệu từ ngăn đá xuống ngăn mát để rã đông. Đây là một phương pháp được xem là tối ưu và an toàn nhất nhưng tốn nhiều thời gian. Sản phẩm được rã đông dần trong ngăn mát tủ lạnh nếu chưa dùng ngay vẫn có thể bảo quản trong điều kiện như vậy 3-5 ngày. Nếu cần, có thể tái đông trở lại bằng cách chuyển trở lại ngăn đá để bảo quản lâu hơn.
Rã đồng bằng lò vi sóng cũng rất tốt vì điện trường cao tần sẽ gây nên nội ma sát trong bản thân thực phẩm, khiến thực phẩm nóng lên, tan đông nhưng không làm vỡ tế bào. Với phương pháp này, thực phẩm phải được chế biến ngay vì phần thịt có thể đã hơi chín. Ngoài ra thịt, cá đông lạnh có thể quay, nướng trong lò vi sóng mà không cần phải rã đông.
Thực phẩm khô,cần bảo quản trong hộp kín.
Những lưu ý khi chế biến thực phẩm
Các cách chế biến thực phẩm
Ăn sống, trộn salad: Đây là cách ăn giữ được nguyên giá trị các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Chỉ áp dụng với những thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những thực phẩm thực sự tươi ngon. Tuy nhiên, cần chú ý chỉ sơ chế đồ ăn sống ngay trước khi ăn, tránh để quá lâu mà mất chất dinh dưỡng.
Hấp: Đây cũng được coi là một trong những cách chế biến giữ được nhiều chất dinh dưỡng của thức ăn. Cần đảm bảo đủ nhiệt và đủ thời gian cho thực phẩm chín tới, không để quá lâu sẽ làm mất các chất dinh dưỡng khi đun ở nhiệt độ cao. Cần ăn ngay khi các món ăn vừa nấu xong.
Luộc và hầm: Thực phẩm chế biến theo cách này thường bị mất nhiều chất dinh dưỡng. Nước sẽ hòa tan vitamin (đặc biệt là vitamin B, vitamin C) và một số khoáng chất. Để hạn chế mất chất, bạn nên giới hạn lượng nước, thời gian khi luộc (hầm) và nhiệt độ khi đun. Nên sử dụng cả nước luộc/hầm để ăn hoặc tận dụng để chế biến thành món ăn khác. Nên dùng nồi áp suất để hầm, vì đây cũng là cách ít bị mất dinh dưỡng nhất nếu chỉ dùng ít nước.
Nướng và rang: Đây là hai phương pháp dùng nhiệt độ để làm khô và chín thực phẩm. Để hạn chế mất chất dinh dưỡng nên sử dụng nướng thực phẩm với lò nướng chuyên dụng.
Rán/chiên: Các thực phẩm khi chiên/rán ở nhiệt độ cao thường bị mất chất dinh dưỡng, bên cạnh đó nếu chiên/rán không đúng cách có thể sinh ra những độc tố, không có lợi cho sức khỏe.
Chế biến thực phẩm an toàn
Trong quá trình chế biến thực phẩm nên thực hiện 3 qui tắc nhằm hạn chế hao hụt chất dinh dưỡng: Giảm lượng nước sử dụng trong nấu ăn; giảm thời gian nấu ăn và giảm diện tích bề mặt của thực phẩm tiếp xúc với không khí.
Chất đạm (protein): Khi nướng, rán các loại thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa ở nhiệt độ cao quá lâu, giá trị dinh dưỡng của protein giảm đi vì chúng tạo thành các liên kết khó tiêu. Do đó với các thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng đều phải sử dụng nhiệt độ trên 70 độ C, tốt nhất là 100 độ C để nấu chín và diệt khuẩn.
Chất béo (lipid): Khi đun lâu ở nhiệt độ cao, các axit béo không no sẽ bị ôxy hóa làm mất tác dụng dinh dưỡng. Mặt khác, các liên kết kép trong cấu trúc của các axit béo này bị bẻ gãy tạo thành các sản phẩm trung gian như peroxit aldehyt, aldehyt rất có hại đối với cơ thể. Tránh sử dụng lại dầu, mỡ đã qua chiên rán ở nhiệt độ cao.
Nhóm vitamin và khoáng chất: Các vitamin bị tác động bởi nhiệt. vitamin C mất 50%; vitamin B1 mất 30%; caroten mất 20%. Các chất khoáng (canxi, phospho, kali, magiê…) trong quá trình nấu có các biến đổi về số lượng do chúng hòa tan vào nước. Vì vậy, khi ăn, nên ăn cả cái lẫn nước mới tốt cho sức khỏe.
Trong quá trình chế biến thực phẩm, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, cần giữ vệ sinh trong quá trình chế biến bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Biện pháp này có thể ngăn ngừa vi khuẩn nhiễm chéo vào thực phẩm từ các đồ dùng, từ thực phẩm sống và chín. Thức ăn cần nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu. Ngoài ra, dụng cụ dùng để chế biến và chứa thức ăn cần đảm bảo sạch sẽ an toàn như dao, thớt, xoong, bát, đĩa…
ThS. BS.Nguyễn Tiến Thành