Để tận dụng được tối đa các công dụng của sữa chua thì bạn nên ăn sữa chua đúng cách để cơ thể hấp thu các dưỡng chất từ sữa chua hiệu quả.
Những ích lợi sữa chua cung cấp cho cơ thể
Sữa chua cung cấp cho cơ thể lượng lớn các vi khuẩn có lợi (Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium), bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Có một số vi khuẩn trong sữa chua còn tạo ra kháng sinh có khả năng diệt các vi khuẩn có hại trong ruột.
Sữa chua đặc biệt thích hợp với người già, trẻ em, người mới ốm dậy, nhất là những người mắc bệnh về tiêu hóa. Khi lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột, nên cơ thể rất dễ nhiễm bệnh. Trong trường hợp này, sữa chua rất có hiệu quả trong việc lập lại cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột. Song, việc bổ sung cần được tiến hành ngay sau đợt sử dụng kháng sinh, chứ không phải trong khi dùng kháng sinh, vì kháng sinh và men vi sinh hoặc sữa chua sẽ “công” nhau. Trong khi kháng sinh đang tìm cách tiêu diệt vi khuẩn, thì men vi sinh lại làm việc ngược lại là cung cấp thêm lợi khuẩn cho đường ruột, làm cản trở quá trình tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh.
Đối với người bị viêm loét dạ dày (đau dạ dày) thường phải dùng thuốc kháng axit nên làm cho vi khuẩn sinh hơi dồn lên, làm bụng trở nên ấm ách rất khó chịu. Nếu ăn sữa chua trong trường hợp này giúp cho bụng hết sình hơi, ấm ách là nhờ khí được đẩy xuống và tính axit được phục hồi.
Với trẻ bị tiêu chảy hoặc biếng ăn, cho ăn sữa chua sẽ chữa được tiêu chảy là nhờ sữa chua lập lại cân bằng vi khuẩn ở ruột và chất kháng sinh lactocidine có trong sữa chua giúp việc điều trị tiêu chảy. Sữa chua dễ tiêu hóa nên rất phù hợp với trẻ biếng ăn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, cơ thể hấp thu sữa chua gấp 3 lần sữa tươi.
Sữa chua là lựa chọn cho bữa ăn nhẹ tuyệt vời nhờ chứa protein, carbohydrate kết hợp với các lợi khuẩn, đặc biệt là canxi.
Nên ăn khi nào?
Chỉ nên ăn sữa chua sau bữa ăn bởi các vi khuẩn có lợi trong sữa chua tồn tại ở điều kiện độ pH lớn hơn hoặc bằng 4,5. Khi đói, độ pH trong dạ dày chỉ bằng 2, do đó, nếu ăn sữa chua lúc này thì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua bị tiêu diệt. Hơn nữa, protein có trong sữa chua sẽ khiến bạn dễ bị no và mất đi cảm giác ngon miệng khi ăn. Sau khi ăn, dạ dày co bóp mạnh, độ pH tăng lên, đó chính là môi trường tuyệt vời để các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt. Thời điểm tốt nhất để ăn sữa chua chính là sau bữa trưa. Khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ sau khi ăn, bạn có thể bắt đầu ăn sữa chua. Thời điểm này, dịch acid trong dạ dày đã được pha loãng, đồng thời cả nồng độ acid trong dạ dày lúc này cũng phù hợp để acid lactic phát triển.
Sau khi tập luyện và thực hiện các bài tập thể lực, các cơ của bạn sẽ có cảm giác đau nhức. Điều này xảy ra do cơ bắp thường bị căng sức sau quá trình luyện tập. Lý tưởng nhất là bạn nên có một bữa ăn nhẹ kết hợp giữa carbohydrate và protein để nạp lại năng lượng. Sữa chua là lựa chọn tuyệt vời nhờ chứa protein, carbohydrate kết hợp với các lợi khuẩn, đặc biệt là canxi. Bạn có thể kết hợp sữa chua nguyên chất với trái cây tươi hoặc đông lạnh để có thêm nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và tăng thêm hương vị.
Buổi tối, bạn nên chọn ăn các loại thức ăn chứa lượng calo thấp để tránh nguy cơ tăng cân không mong muốn. Với một khẩu phần ăn 227g sữa chua, lượng calo nạp vào cơ thể chỉ vào khoảng 180 calo. Protein có trong sữa chua cũng có thể giúp bạn phát triển cơ bắp hiệu quả. Với khẩu phần 227g sữa chua trước khi đi ngủ, bạn có thể nhận được tới 11g protein – lượng cần thiết để nuôi dưỡng cơ bắp trong thời gian ngủ.
Hãy bảo quản sữa chua trong tủ lạnh sau khi mua về, tốt nhất sử dụng sữa chua trong vòng 1 tuần sau khi mua. Khi mua, cần xem kỹ hạn sử dụng của sản phẩm in trên bao bì để đảm bảo có thể sử dụng sữa chua một cách an toàn trong nhiều ngày.
BS. Ngô Mỹ Hà